Tuyệt thực đi về đâu – Sự nhịn ăn của loài vật

“Thú vật không phải chỉ nhịn ăn trong lúc đau mà cả trong lúc lành mạnh. Người ta thường kể chuyện nhiều con chó buồn đến bỏ ăn khi chủ nó chết hay đi vắng lâu ngày.”

Trước khi đi sâu vào phương pháp nhịn ăn áp dụng cho con người, ta thử đi vào thiên nhiên khảo sát một ít về tập quán nhịn ăn của một số thú vật.

Thú vật không phải chỉ nhịn ăn trong lúc đau mà cả trong lúc lành mạnh. Chúng ta cần chú ý điểm này để bỏ ý niệm sợ nhịn ăn và có một nhận định chính xác hơn về vấn đề này.

Trong thời kỳ giao tình (giao phối), chim xí-nga (chim cánh cụt, tiếng Pháp là pingouon) và ngỗng đực nhịn ăn. Sau thời kỳ này, ngỗng đực sụt mất 1/4 sức nặng.

Còn hải cẩu thì ai cũng biết là nó nhịn đói trong suốt mùa giao tình. Đằng đẵng 3 tháng liền của thời kỳ giao tình hàng năm, con hải cẩu không ăn mà cũng chẳng uống (trong thời gian này thực phẩm nó có thể kiếm dễ dàng) từ tháng 5 hay trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7 hoặc thượng tuần tháng 8. Sau khi quyết chiến để thủ thắng với 5-6 tình địch ngõ hầu chiếm một địa điểm mà lập một hậu cung với 5-6 cô hải cẩu, chàng hải cẩu đực suốt mùa hè phải phần thì liên miên chiến đấu để bảo vệ hậu cung của mình, phần thì phải làm thỏa mãn sinh lý cho các cô thê thiếp. Roy Champan Andrews nói: “Trong suốt mùa hè, chàng hải cẩu không ăn không ngủ. Đây là chuỗi ngày trác táng về tình dục và chiến đấu để chống những kẻ đến nhòm ngó và xâm lăng hậu cung của mình.”

Súc vật nhịn ăn khi bị kích động hoặc uể oải, buồn rầu. Người ta thường kể chuyện nhiều con chó buồn đến bỏ ăn khi chủ nó chết hay đi vắng lâu ngày.

Có nhiều trường hợp chó và các giống vật khác nhịn ăn đến 10, 20 ngày hay hơn thế nữa khi chúng bị nội thương hay gãy xương. Voi bị thương nó cũng nhịn ăn. Mèo, chó, bò, ngựa, heo đều nhịn ăn khi chúng nó đau.

Đôi khi để thích nghi với hoàn cảnh, với sự khan hiếm thức ăn, thiếu nước, con vật muốn bảo tồn sinh mệnh đã tạo thói quen nhịn ăn trong giấc Đông miên (ngủ đông) hay Hạ miên (ngủ hè).

Về mùa lạnh ở các miền cực Bắc, ngày ngắn đêm dài, khí hậu lạnh lẽo phần mưa tuyết, phần thiếu thốn thức ăn, thú vật phải giải quyết đời sống của chúng cho thích nghi trong các trường hợp rất khó khăn bất lợi. Nhiều giống thú tích trữ thức ăn ở ngoài, nhiều loài để dành trong mình.

Dơi, chuột, chồn, sóc, nhím, cóc, nhái, tắc kè, rắn, ốc sên, gấu, cá sấu, cá gáy đều là những con vật có giấc Đông miên ở xứ lạnh.

Đông miên là một trạng thái yên ngủ trong lúc đó sự hô hấp, tuần hoàn và biến dưỡng giảm bớt rất nhiều, trạng thái nhờ đó thú vật ôn đới sống qua mùa rét. Trong thời gian này, sự hoạt động các cơ quan trong nội thể gần như ngừng nghỉ, nhiệt độ trong mình sụt xuống suýt soát với khí hậu bên ngoài, tim đập rất chậm và con vật mất từ 30% đến 40% sức nặng, đôi khi 50% hay hơn thế nữa.

Trong giấc Đông miên, con thú có thể sống nhờ vào số thức ăn tích trữ trong cơ thể hoặc thỉnh thoảng thức dậy ăn số đồ để dành trong hang ổ.

Trong thời kỳ Đông miên của con dơi, tim nó đập chậm đến mức ta không nhận thấy, hơi thở hầu như dứt hẳn, máu chảy rất chậm, nhiệt độ trong mình suýt soát khí hậu bên ngoài, ví dụ khí hậu ở ngoài là 1 độ thì trong mình nó chỉ 1 độ rưỡi mà thôi.

Còn ở các vùng nhiệt đới, trong thời gian khô hạn lúc thức ăn thiếu cây cỏ khô héo, cũng có nhiều loài thú ở vùng ôn đới, đặc biệt các miền sa mạc các giống sâu bọ, ốc sên, cá, cá sấu và vài loài có vú đã vượt qua những nỗi khó khăn đó với giấc Hạ miên.

Mùa nắng sông hồ khô cạn, không có thức ăn, cá sấu nằm yên không ăn trong suốt những ngày nắng hạn. Nhiều giống cá như cá dét đục sâu trong lòng đất không ăn chờ mùa mưa tới. Rùa ngủ trong bùn, rùa biển ngủ trong hốc đá, đỉa, nhái ngủ trong bùn khô.

Nắng, hạn, thiếu thức ăn là yếu tố quyết định giấc Hạ miên cũng như lạnh và đói thúc đẩy giấc Đông miên nơi các động vật.

Thời gian nhịn ăn của loài có xương sống có thể kéo dài từ vài ngày nơi những giống chim nhỏ, vài tháng nơi loài có vú, đến nhiều năm nơi loài rắn. Loài máu lạnh thường có thể sống nhịn ăn lâu dài hơn loài máu nóng nhiều.

Sự nhịn ăn trong những điều kiện khác nhau là tình trạng rất thông thường trong thiên nhiên dùng để đương đầu với những nhu cầu của đời sống. Cái khả năng nhịn ăn trong giấc Đông miên và Hạ miên là yếu tố quan trọng để sống còn; nếu không có khả năng trên con vật sẽ chết trong mùa đông hay hạn hán do thiếu thực phẩm hay thiếu nước.

Trong trường hợp đau ốm, bị thương nặng, khi không một thức ăn nào có thể tiêu hoá được thì cơ thể dùng những thức ăn dự trữ trong tế bào để nuôi dưỡng những cơ quan trọng yếu và điều hành các hoạt động cần thiết cho sinh mạng.

Sốt, đau, buồn, khổ, viêm chặn đứng sự xuất tiết các dịch của bộ tiêu hoá, ngăn ngừa mọi sự co bóp của dạ dày và vì vậy không còn cảm giác thích ăn nữa. Trong những trường hợp như vậy chỉ còn một nguồn thực phẩm: thức ăn dự trữ trong người.

Nhịn ăn trong lúc bệnh tật cũng như trong thời kỳ động đực giao tình hoạt động cơ thể vẫn tiếp tục nhưng sự hao tổn thì nhanh hơn trường hợp nhịn ăn của giấc Đông miên và Hạ miên nhiều.

(Hết phần Sự nhịn ăn của loài vật)

Tag trong bài viết:

Xin lưu ý: Một số thuật ngữ trong sách này, nhất là danh từ, có thể ít được sử dụng hoặc không còn được sử dụng ngày nay. Chúng tôi chú thích bằng thuật ngữ tương đương trong dấu ngoặc đơn và in nghiêng. Ví dụ: trụ sinh (kháng sinh).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *