Tuyệt thực đi về đâu – Những biến chứng có thể xảy ra trong thời gian nhịn ăn

Trong tất cả mọi trường hợp các triệu chứng kịch phát chỉ là tạm thời và sau đó mọi cơ năng dần dần được cải thiện tốt đẹp để đi đến sự lành bệnh.

Với những ai chưa hề nhịn ăn hoặc có dịp nhận xét những người nhịn ăn đều đinh ninh rằng nhịn ăn là một chuyện gian nan khổ ải mà người nhịn ăn phải gánh chịu bao nhiêu đau đớn thống khổ để rồi cuối cùng có thể chết trong sự đau khổ vô cùng bi thiết. Nhịn ăn không phải bao giờ cũng là một sự thí nghiệm thú vị nhưng đau ốm thì dĩ nhiên luôn luôn chẳng bao giờ có thú vị được. Người nhịn ăn bị dày vò chăng là vì họ thiếu những thứ kích thích mà trước đó họ thường dùng hàng ngày: cà phê, thuốc lá, rượu, á phiện, gia vị, v.v… Nhưng chỉ sau một thời gian nhịn ăn là sự dày vò trên biến mất. Điều này chứng tỏ rằng các biến chứng kia chẳng phải gây ra do sự nhịn ăn, do sự thiếu thực phẩm.

Những ngày đầu trong cuộc nhịn ăn: Hai ngày đầu tiên nhịn ăn thường là những ngày cam go, vất vả hơn cả, thứ nhất là vì thói quen đòi hỏi thức ăn của cơ thể, thứ hai vì có sự thiếu thốn đột ngột các chất kích thích thường dùng hàng ngày. Nhức đầu, xây xẩm chóng mặt, mắt nổ đom đóm, buồn nôn oẹ mửa, xót xa, trống trải trong dạ dày là những khó chịu trong thân thể vào những ngày đầu nhịn ăn. Các triệu chứng đó đều phát sinh do thiếu trà, thiếu thuốc, thiếu cà phê, thiếu đồ gia vị, thiếu thức ăn kích thích.

Cho nên những kẻ háu ăn, bợm nhậu, bợm hút là những người bị đày đọa, bị hành hạ, bị dày vò khổ sở nhất, rất khó chịu đựng được sự nhịn ăn. Nhưng phản ứng những ngày đầu càng mạnh thì kết quả của sự nhịn ăn càng sớm thu hoạch. Lưỡi bợn, hơi hôi, miệng đắng là dấu hiệu của một quá trình thanh lọc, gột rửa, bài tiết hữu hiệu.

Còn người thường ăn uống thanh đạm thì hầu như chẳng có phản ứng gì đáng kể.

Sự biến mất triệu chứng: Cuộc nhịn ăn tiến hành thì các triệu chứng giảm bớt dần cho đến khi biến hẳn.

Sự kịch phát các triệu chứng: Tuy vậy đôi trường hợp các triệu chứng lại gia tăng tạm thời trong những ngày đầu.

Các chứng nhức đầu có thể tăng lên lúc ban đầu rồi thuyên giảm.

Các sự đau đớn ở dạ dày trong bệnh thừa chất chua và bệnh ung sang dạ dày hầu như luôn luôn tăng lên trong 3 ngày đầu nhịn ăn.

Có triệu chứng thần kinh cũng đôi khi trầm trọng lúc ban đầu.

Các mụn đỏ ngoài da, các chứng viêm nước dường như nặng lên trong những ngày đầu.

Các chất nhầy, mủ, dãi tiết ra nhiều ở mũi, ở tị xoang, ở họng, ở tử cung, ở âm hộ và ruột già. Đàn bà khí hư, bạch trọc trong thời gian này ở thành tử cung và âm hộ xuất tiết rất nhiều chất nhầy nhớt.

Trong tất cả mọi trường hợp các triệu chứng kịch phát chỉ là tạm thời và sau đó mọi cơ năng dần dần được cải thiện tốt đẹp để đi đến sự lành bệnh.

Bác sĩ Dewey (Edward H. Dewey) nói: “Sự trầm trọng của các triệu chứng ấy trong lúc nhịn ăn tỷ lệ chặt chẽ với sự cần thiết phải kiên trì trong việc nhịn ăn bởi vì các triệu chứng đó hàm ẩn ý nghĩa là căn bệnh đang chiều hướng tiến triển tốt đẹp.”

Các cơn biến bệnh trong lúc nhịn ăn: Đa số các triệu chứng mà người nhịn ăn cảm thấy đều do một sự điều chỉnh của thần kinh. Hãy lấy ví dụ một người bị bệnh tê một đám ngoài da ở cuối xương sống, sau vài ngày nhịn ăn bỗng cảm thấy rất đau đớn ở chỗ đó trong vài giờ rồi sau đấy xúc giác chỗ bị tê trở lại bình thường. Sự đau đớn trên là một hiện tượng điều chỉnh thần kinh.

Khi người ta ngưng uống cà phê hay nhịn ăn mà thấy nhức đầu thì sự nhức đầu đó là ở trong quá trình điều chỉnh thần kinh. Tình trạng bải hoải và sự nóng nảy phát bệnh sau khi nhịn ăn cũng chẳng khác nào tình trạng bải hoải và gắt gỏng của một người bỏ hút thuốc đều là thải lọc trong quá trình chỉnh đốn của thần kinh, luôn luôn đem lại sự cải thiện cho sức khoẻ sự ích lợi cho cơ thể.

Tất cả các trường hợp nhịn ăn đều chẳng gây ra những bệnh biến đáng kể và trong đại đa số trường hợp đều vô hại, chóng hết và cải thiện tình trạng sức khoẻ cho bệnh nhân. Trong các bệnh kinh niên thì phần nhiều các bệnh biến không phát lộ mà có tính cách tiềm ẩn. Điều đáng để ý và đáng nhớ là mọi triệu chứng phát hiện trong thời gian nhịn ăn không phải là sự trầm trọng căn bệnh, sự phá hoại cơ thể của người nhịn ăn mà là những triệu chứng của các sự cải tạo sinh lực nào đó bên trong luôn luôn với mục đích cải thiện sức khoẻ cho bệnh nhân.

Khạc nhổ: Đôi khi có người nhịn ăn thì đờm nhớt sinh ra vô kể, bắt khạc nhổ luôn mồm trong nhiều hôm, có khi vì đó làm cho người bệnh mất ngủ. Đó chính là một quá trình bài tiết mà ta chớ để tâm lo ngại vì sau đó thế nào cũng đưa đến một tình trạng sức khỏe tốt đẹp.

Viêm nước: Có khi trong mấy ngày đầu nhịn ăn là người ta mắc chứng sổ mũi nước hoặc đau nơi họng tuy trường hợp này cũng ít khi xảy ra. Trong các bệnh kinh niên, sự bài tiết các chất nhớt thường được tăng gia trong mấy ngày nhịn ăn đầu tiên.

Biến chứng ngoài da: Cũng có trường hợp ngoài da sinh các nốt đỏ hoặc sinh ngứa, sinh phong mề đay trong đôi ba ngày đầu nhịn ăn. Đó là những quá trình bài tiết.

Nhức đầu: Thường sau một cơn mê mệt người ta cảm thấy nhức đầu và đau lưng liên tiếp 3-4 ngày. Thấy vậy đừng có lo ngại, đừng có chấm dứt sự nhịn ăn vì không có gì nguy hại cả, đó chỉ là sự điều chỉnh thần kinh. Triệu chứng này không phát hiện nơi mọi bệnh nhân mà thường xảy ra ở những người nghiền thuốc, rượu, cà phê, trà, v.v… và các thức ăn, các dược liệu kích thích, hưng phấn…

Tay chân nhức mỏi: Trong những ngày nhịn ăn đầu tiên, có người cảm thấy đau ở lưng, ở hông mà cũng có người cảm thấy tay chân nhức mỏi, đặc biệt là ở các khớp xương rất khó chịu nhưng không mấy khi kéo dài quá một đôi ngày và thường thì có về đêm.

Buồn nôn: Có người vì thói quen dạ dày thình lình không nhận thức ăn nữa nên gây ra hạ áp lực trong dạ dày và tạo ra cảm giác buồn nôn.

Mật chảy vào dạ dày cũng là duyên cớ gây ra sự buồn nôn hoặc đôi khi sự oẹ mửa. Đây là một quá trình của sự thanh lọc cơ thể bằng cách bài tiết chất mật xanh mật vàng và nhầy nhớt trong dạ dày. Có trường hợp người bệnh buồn nôn và oẹ mửa liên miên 5-7 ngày và sau đó lại nấc cụt, nhưng qua những bệnh biến đó thì trở nên tươi tỉnh, khỏe khoắn hơn trước nhiều. Những trường hợp có phản ứng dữ dội hoặc vài ngày thường xảy ra ở những bệnh kinh niên.

Chấm dứt sự nhịn ăn trong lúc đang bị mửa không phải là điều hay mà còn tai hại là khác, ta nên nhẫn nại và tin tưởng vào sự linh mẫn của bản năng tự tồn của con người sẵn có. Ăn uống trở lại trong những trường hợp như vậy là đi tìm cái chết. Gặp trường hợp trên ta chỉ cần bình tĩnh cho cơ thể và tinh thần thoải mái để cho cơ thể tự hoàn thành công việc cải tạo sinh lực của nó. Sự nôn mửa có thể xảy ra lúc mới bắt đầu nhịn ăn mà cũng có khi sau khi nhịn ăn 20, 30 ngày.

Đôi khi sự nôn mửa cùng phát xuất một lần với chứng nhức đầu và những mẩn đỏ ngoài da. Trường hợp này thường gặp ở những người bị bệnh kinh niên có các chứng hỗn loạn ở bộ máy tiêu hoá và thần kinh.

Chứng chuột rút: Chứng này có thể phát sinh trong ruột mọi người phái nam hay phái nữ hoặc trong tử cung đàn bà.

Trong ruột, chứng này có thể gây ra là do hơi, do sự di chuyển của phân ở trong ruột hay bởi những nguyên nhân về tâm linh với sự kiểm soát nhu động do thần kinh dinh dưỡng. Chuột rút ở tử cung thì rất hiếm và thường chỉ xảy ra ở nơi những bệnh nhân bị băng huyết tử cung. Cũng có một vài trường hợp rất hiếm là sự chuột rút ở tử cung là hậu quả của sự cố gắng để trục ra khỏi tử cung những chất nhầy nhớt tích luỹ ở trong ấy.

Hơi: Nhiều người bệnh về bộ tiêu hoá nhịn ăn thường than phiền mắc chứng đầy hơi, nhưng trên thực tế thì chẳng mấy khi trong ruột người nhịn đói thật có một số hơi quan trọng. Do sự phản xạ của thần kinh dinh dưỡng mà có sự gia tăng áp lực trong ống tiêu hoá làm người ta có cảm giác có sự đau đớn trong bụng. Do sự bực bội, sự khích động, những cảm xúc mạnh cũng gây ra những cảm giác bứt rứt và những nỗi lo sợ ngấm ngầm trong tiềm thức cũng gây ra những cảm giác khó chịu về sự đầy hơi rồi do đó mà thao thức không ngủ ngáy được.

Khi người bệnh đã hiểu lý do như vậy nên tự chủ để cho tâm trí được nghỉ ngơi thoải mái thì mọi chứng gọi là “đầy hơi” gây ra do sự căng thẳng của thần kinh đó tự nhiên biến mất.

Đi tả: Chắc ít ai nghĩ nhịn ăn lại đi tả nhưng thỉnh thoảng vẫn có xảy ra trường hợp đi tả trong lúc nhịn ăn vì tuỳ trường hợp đó là một đòi hỏi cần thiết của cơ thể để thanh lọc bộ máy tiêu hoá.

Chóng mặt: Đây là một triệu chứng thường gặp lúc mới bắt đầu nhịn ăn hoặc lúc đang nằm mà người ta vùng dậy đột ngột. Thường thì nó chỉ choáng váng trong vài giây và nếu muốn tránh thì ta nên ngồi dậy từ từ. Sự chóng mặt, choáng váng thường là do máu huyết ở não dồn xuống quá cấp bách. Người nhịn ăn trong lúc hoạt động cử chỉ nên điềm đạm, khoan thai thì không mấy khi mắc phải chứng này.

Ngất xỉu: Trường hợp này rất hiếm và có thể xảy ra trong một hai ngày nhịn ăn đầu tiên. Đó là một điều tầm thường không có gì phải cuống quýt kinh hãi hay lo sợ. Chỉ việc cho người bệnh nằm ngay thẳng ở chỗ thoáng khí và mở áo quần cho rộng rãi thư thái cho người bệnh dễ thở là đủ lắm rồi. Không cần phải đắp nước lạnh vào mắt, cứ để yên như vậy trong chốc lát sẽ tỉnh ngay; người bị ngất cần sự nghỉ ngơi chứ không cần đến sự khích động.

Đau họng: Thường xảy ra liền sau khi ngưng cuộc nhịn ăn mà cũng có khi trong thời gian nhịn ăn. Đại để đó là vô hại và chỉ có trong một vài hôm là nhiều và chẳng có gì đáng ngại.

Hồi hộp: Hồi hộp có khi là do hơi trong ống tiêu hoá, có khi là do sự nóng nảy bực bội, lo sợ hay làm việc mệt nhọc.

Đôi khi tưởng đâu là đau trong tim nhưng thật ra thì cái đau ấy là ở trong lồng ngực. Cũng có thể do hơi, có thể là do chất độc mà cũng có thể là do nguyên nhân tâm lý. Đừng quan tâm làm gì cho mệt, không có gì trầm trọng đâu vì triệu chứng này rất chóng hết.

Mất ngủ: Trong vài trường hợp, mất ngủ là do sự thần kinh hoặc là do thiếu tiện nghi, phần lớn người nhịn ăn ngủ ít là vì cơ thể họ không cần thiết đến giấc ngủ quá dài. Có khi họ ngủ rất ngon mà họ không ngờ đến. Người ngủ giờ tỉnh dậy cũng chẳng khác nào mới ngủ 15 phút vì thời gian ta ngủ, ta hoàn toàn vô thức về số lượng thời gian trôi qua mà một giờ thao thức không ngủ ta lại có cảm tưởng như suốt một đêm trường vì thời gian trôi qua chậm chạp khi người ta chờ giấc ngủ.

Hỗn loạn về thị giác: Trong những cuộc nhịn đói quá dài đôi khi xảy ra trường hợp hỗn loạn về thị giác như thấy có hơi loà loà nhưng chắc chắn là không bao giờ có sự thương tổn trong nhãn cầu hoặc nơi thần kinh thị giác. Ăn uống lại là sự hỗn loạn biến mất và thị lực người bệnh còn được tăng gia, có thể bỏ kính đeo mắt không cần dùng như trước nữa.

Có trường hợp một người đàn bà mang kính nhưng hễ cất kính thì thấy 1 ra 2, sau một thời gian nhịn ăn thì mắt trở lại bình thường, nhịn ăn đến ngày thứ 16 thì không cần dùng kính nữa mà có thể đọc sách, may vá, xâu kim, v.v…

Biến chứng trầm trọng: Thật ra rất ít khi có dấu hiệu báo nguy xảy ra trong thời kỳ nhịn ăn. Nếu có chăng chắc chắn là do một nguyên nhân khác chứ không phải vì nhịn ăn.

Chiếu theo các thành kiến thông thường chống báng phương pháp nhịn ăn và sự xung đột kịch liệt của ngành y khoa về sự áp dụng phương pháp này, những người thực hành phép nhịn ăn không dám tiếp tục nhịn ăn khi thấy phát sinh ra những triệu chứng mà họ cho là nguy hiểm. Nếu có người bệnh nào nhịn ăn mà chết đi thế là người ta đổ cho là vì đói mà chết.

Một vạn người bệnh có thể chết sau khi uống, tiêm vào người những dược phẩm độc địa hoặc sau khi mổ xẻ hay cưa cắt một vài cơ quan, bộ phận mà chẳng một ai thấy có trách nhiệm gì mà chỉ đổ cho là bệnh đó không thể cứu chữa được.

Nhưng nếu rủi thời có một người trọng bệnh chữa theo phương pháp nhịn ăn, vì căn bệnh quá nặng mà chết là người ta lại làm ra to chuyện, bảo rằng vì đói ăn mà chết và lên án phương pháp nhịn ăn là nguy hại.

Chúng ta cứ sáng suốt nhận định mà xem sẽ thấy đâu là lẽ phải.

Sức mạnh của bắp thịt trong lúc nhịn ăn: Levinson nói: “Nhiều người tưởng rằng trong thời gian nhịn ăn, ta phải ngồi trong ghế bành để đọc báo, hay ngủ gà ngủ gật bởi vì người ta không còn hơi sức đâu mà làm việc này, việc khác. Nếu bạn nặng 91 kg trong lúc đáng ra số cân trung bình của bạn chỉ là 60 kg, bạn có thể nhịn ăn 60 ngày và mỗi ngày bạn sẽ tăng thêm sức mạnh bởi vì bạn sẽ trở lại trọng lượng trung bình. Tôi bắt đầu nhịn ăn với số cân trung bình; tôi trải qua 32 ngày thử thách với không biết bao trắc nghiệm khoa học liên tiếp, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy mất sức và những thí nghiệm ghi bằng lực kế đã chứng tỏ điều này”.

Có điều xem như mâu thuẫn là có bệnh nhân lúc mới đầu nhịn ăn thì trở thành liệt nhược nhưng nếu cứ kiên nhẫn tiếp tục nhịn ăn thì sự yếu đuối biến mất và trở thành khoẻ mạnh hơn xưa.

Một sự yếu đuối rất gần sự suy nhược cực điểm có thể biểu lộ dưới nhiều hình thức cơn biến của bệnh, đặc biệt là chứng oẹ mửa: còn mửa là còn mệt, nhưng cơn mửa qua rồi là sức khoẻ trở lại rất dồi dào.

(Hết phần Những biến chứng có thể xảy ra trong thời gian nhịn ăn)

Tag trong bài viết:

Xin lưu ý: Một số thuật ngữ trong sách này, nhất là danh từ, có thể ít được sử dụng hoặc không còn được sử dụng ngày nay. Chúng tôi chú thích bằng thuật ngữ tương đương trong dấu ngoặc đơn và in nghiêng. Ví dụ: trụ sinh (kháng sinh).

Vui lòng dẫn nguồn nhinanchuabenh.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *